Thứ Ba, 6 tháng 5, 2008

MOT MINH

Hà Nội đêm có cái gì khác lắm, có cái gì riêng lắm. Dường như mọi âm thanh hối hả của cuộc sống bận rộn hàng ngày lắng lại để cho những âm thanh của đêm cất tiếng. Hà Nội đêm qua như nồng nàn hơn, xao xuyến hơn bởi những âm thanh của đêm da diết hơn với những tiếng lòng, tiếng tình yêu


Đêm qua, nhạc sĩ Thanh Tùng đã giãi bày cảm xúc của mình với khán giả Thủ đô bằng một liveshow ca nhạc mà đến 10 năm nay ông mới được mở hết lòng mình đến vậy...

20h đêm nhạc mới bắt đầu, nhưng từ trước đó cả tiếng đồng hồ, những người yêu nhạc Thanh Tùng đã đổ về Nhà hát Lớn Hà Nội. Có cả những người cũ, những người mê nhạc Thanh Tùng từ lâu, chờ đợi ông từ lâu, và có cả những đôi bạn trẻ, họ háo hức để được xem Thanh Tùng kể chuyện ngày xưa như thế nào. Cả khán phòng Nhà hát Lớn đã không còn một chỗ trống, có nhiều người đứng và cả những người ngồi nghe nhạc của ông ngay bên bậc cửa nhưng dường như ai cũng say sưa, ai cũng đắm chìm khi những giai điệu đúng “chất” Thanh Tùng được cất lên....

This image has been resized. Click this bar to view the full image. The original image is sized 785x561 and weights 62KB.

Đã lâu lắm rồi, người Hà Nội mới được thưởng thức nhạc Thanh Tùng một cách trọn vẹn và thỏa mãn như vậy. Bao hoài ức lưu luyến về cái “Lối cũ ta về” cách đây chục năm đã được bù đắp thật xứng đáng, bởi khán giả không chỉ được sống lại những vang vọng xúc cảm nồng nàn của những bản tình ca nức lòng một thời, không chỉ được run rẩy từng mạch đập giữa mênh mang kỷ niệm trong những trải lòng mới mẻ của người đàn ông 60 “một mình”.
Trên hết, là người yêu nhạc được gặp lại vẫn dáng đi chênh vênh cô đơn vẹn nguyên thuở nào, vẫn giọng nói chậm rãi như tỏ bày mà như độc thoại, vẫn không lẫn vào đâu được phong cách Thanh Tùng tưởng xuề xòa hóa ra lại chỉn chu, tưởng phó mặc, buông xuôi hóa ra lại nâng niu từng giây phút đời, tưởng cô đơn, buồn tẻ hóa ra lại lạc quan, kiêu bạc. Dẫu lần trở lại này có thêm chiếc mũ phớt cố ý che đi đôi mắt nhiều tâm sự ẩn khuất sau lớp kính dày, người ta vẫn nhận ra bên trong vẻ ngoài lặng lẽ ấy lúc nào cũng là một ngọn lửa đượm nồng.

600 ghế ngồi của Nhà hát Lớn Hà Nội chưa bao giờ là đủ cho một đêm nhạc của Thanh Tùng. Nhất là khi bước chân vào đây, người ta được chiêm ngưỡng bức chân dung tỉ mỉ nhất về người nhạc sỹ - khi trẻ trung, nhí nhảnh “Hát với chú ve con”, khi sôi nổi, tha thiết dưới “Mưa ngâu”, “Vĩnh biệt mùa hè”, khi nồng nàn ngọt ngào thủ thỉ “Trái tim không ngủ yên”, khi da diết cồn cào yêu thương “Một mình”.

Hiếm khi thấy khán giả không chau mày mà lại xuýt xoa, tán thưởng khi nghe Thanh Lam phiêu diêu tận cùng cảm xúc trong “Giọt nắng bên thềm”, “Em và tôi”. Chưa ai vượt qua được Lam ở ca khúc “Giọt nắng bên thềm” hẳn phải có lý do. Có lẽ, chính những mất mát, và vết thương lòng của người đàn bà cũng đang “một mình” đã giúp Lam có thể thấm thía nhất cái sự “một sớm mai kia chợt thấy hư vô trong đời” để diễn tả cho hết những mong manh dễ tan dễ vỡ của giọt nắng tình yêu mà Thanh Tùng gửi gắm.

Nhưng người hóa thân vào nỗi nhớ ngẩn ngơ dài cả thập kỷ trong “Một mình” lại là cô Bống Hồng Nhung. Khán phòng như lặng đi nghe Hồng Nhung ngân nga niềm nhớ, nhấn nhá từng chữ, từng lời “đêm - nay - tôi - lại - một - mình”. Là người đầu tiên thể hiện ngay khi ca khúc mới ra đời, cũng là người duy nhất chạm đến cõi tận cùng tâm hồn của người nhạc sỹ, Hồng Nhung cận kề tuổi 40 vẫn trẻ trung như Hồng Nhung 28 năm nào, nhưng cảm xúc sân khấu thì sâu lắng và tinh tế đến độ như rót vào lòng người nghe.

Nếu những gương mặt cũ như Thanh Lam, Hồng Nhung giúp nhạc sỹ trả nợ những hoài ức của khán giả thì Lưu Hương Giang, Phương Anh, Phương Linh, Hồ Quỳnh Hương, Kasim Hoàng Vũ... lại mang đến những làn gió mới. Tuổi trẻ và sức sống của họ rõ ràng đã là hơi thở nguyên sơ và tự nhiên nhất tạo nên linh hồn của bài hát mà không cần đến sự hóa thân nào. Thế nên, không chỉ khán giả trẻ mà cả những người cùng thế hệ với Thanh Tùng, hay lớn lên cùng với nhạc Thanh Tùng đều rạo rực, đều bất ngờ, đều hồ hởi, đều hứng khởi đón nhận từng ca khúc cũ qua những giọng ca tươi mới bằng những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt.

Những tràng vỗ tay ấy cộng hưởng không ngớt khi Tùng Dương phiêu linh trong réo rắt tiếng nhị, tiếng mõ chùa huyền hoặc, đầy ám ảnh của “Chuyện cổ Nghi Tàm”. Không phải câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa mà chỉ là ngược dòng thời gian về 40 năm trước, những kỷ niệm tình đầu, những kỷ niệm về Hà Nội của “mùi ổi găng, hương hoàng lan” ùa về trong những ngày tháng tư trở lại chốn cũ đã thôi thúc nhạc sỹ viết nên câu chuyện chất chứa yêu thương và cũng rất thời sự này.

Thanh Tùng tiếc nuối con đê thênh thang gió, giờ đã bị biến thành đường ôtô, Thanh Tùng tiếc nuối những hoài niệm xưa cũ mà giờ đây nó đã bị đổi thay, bị mất mát và chỉ còn lại trong nỗi nhớ của người nghệ sĩ yêu Hà Nội.


Đã lâu lắm rồi, người Hà Nội mới được thưởng thức nhạc Thanh Tùng một cách trọn vẹn và thỏa mãn như vậy


Và rồi Thanh Tùng - với đặc tính “một mình”, “chung tình” “da diết”, “xót xa, đắng đót” - hiện diện một cách đầy đủ và trọn vẹn trong “Hoa cúc vàng”. Như một bản thánh ca buồn tuyên ngôn cho tình yêu và vinh danh tình yêu, “Hoa cúc vàng” được Thanh Tùng ra mắt vào giây phút cuối cùng của liveshow khiến cả khán phòng rung lên trong nín lặng và những giọt nước mắt đâu đó khẽ rơi. Mỹ Dung đã khẳng định được đẳng cấp của mình khi giãi bày hộ người thầy của mình “Đêm qua em về đây, sao không ghé qua nhà, sao không về thăm anh, anh nhớ em nhiều lắm đấy...”.

Đồ rằng, nhiều người già đã khóc vì thấy bóng mình trong đó, khóc vì nỗi cô đơn của mình, nỗi mong nhớ yêu thương chờ đợi đến vô vọng của mình đã có người sẻ chia. Nhưng nhiều người trẻ cũng khóc, có lẽ vì lâu lắm rồi, mới có một người truyền cho họ một niềm tin mạnh mẽ sau bao nhiêu đổ vỡ, bao nhiêu mất mát, bao nhiêu lung lạc, rằng trên đời này vẫn có một điều tồn tại bất diệt, đó chính là tình yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét